Tìm hiểu bộ phận Tim trong cơ thể con người
Tìm nằm ở đâu
Tim không nằm ở bên trái của ngực. Theo nhiều tài liệu chia sẻ, tim người nằm ở vùng giữa ngực, giữa lá phổi bên phải và bên trái. Tuy nhiên, nó hơi nghiêng về bên trái một chút. Có một số trường hợp tim người nằm bên trái, đây là hiện tượng rất hiếm gặp.
Tim là một bộ phận có vai trò quan trọng trong hệ tuần hoàn của con người. Ngoài chức năng cơ bản là bơm máu và các dưỡng chất đi nuôi cơ thể thì tim còn góp phần lọc bỏ các chất thải độc hại. Hãy cùng tìm hiểu những kiến thức về tim để có những biện pháp giúp trái tim của chúng ta khỏe mạnh hơn, ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
Cấu tạo của tim
+ Tim được cấu tạo bằng 3 lớp: màng ngoài tim, cơ tim và màng trong tim; phân chia thành 4 phần bao gồm: tâm thất phải, tâm thất trái, tâm nhĩ phải, tâm nhĩ trái.
+ Tâm thất phải là nơi chứa máu màu đỏ sẫm nhiều CO2, tâm thất trái chứa máu màu đỏ tươi giàu oxi. Giữa hai tâm thất ngăn cách nhau bằng vách thất (gồm các phần màng và phần cơ). Giữa tâm nhĩ trái và phải ngăn cách nhau bằng vách nhĩ.Tâm nhĩ và tâm thất nối với nhau bằng các van hay còn gọi là van tim.
+ Độ dày của thành tim có sự chênh lệch giữa bên trái và bên phải. Do phải chịu áp lực cao để bơm máu đi nuôi cơ thể nên tâm thất trái có độ dày lớn hơn 2 – 3 lần so với tâm thất phải.
Nhiệm vụ của tâm nhĩ là tiếp nhận máu từ các tĩnh mạch sau đó bơm xuống tâm thất. Tâm nhĩ phải nhận máu từ các tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới sau đó bơm xuống tâm thất phải. Máu từ tâm thất phải bơm vào phổi thông qua động mạch phổi. Tâm nhĩ trái nhận máu từ tĩnh mạch phổi sau đó bơm xuống tâm thất trái. Tại đây máu giàu oxi sẽ theo động mạch chủ đi khắp nơi để nuôi cơ thể.
Hệ thống van tim
+ Van tim là những lá mỏng, mềm dẻo được hình thành từ mô liên kết bao quanh nội tâm mạch.
+ Van tim có vai trò đóng mở nhịp nhàng để quyết định hướng lưu thông của máu.
+ Có 4 loại van tim chủ yếu:
Van nhĩ thất 3 lá
Đây là van nối giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải. Nó có nhiệm vụ mở ra cho máu chảy một chiều từ tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải. Khi máu từ tâm thất phải được bơm vào động mạch phổi thì van này sẽ đóng lại. Việc đóng mở của hệ thống van tim vô cùng nhịp nhàng theo các hoạt động của tim.
Van nhĩ thất 2 lá
Đây là van nối giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Nhiệm vụ của nó là mở ra để máu chảy một chiều từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái. Sau đó sẽ đóng lại khi máu từ tâm thất trái bơm vào động mạch chủ. Việc đóng này sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng tràn máu ngược từ tâm thất trái lên tâm nhĩ trái.
Van động mạch phổi
Đây là van nối giữa tâm thất phải và động mạch phổi có cấu tạo gồm 3 lá van nhỏ hình tổ chim. Khi van mở thì máu sẽ chảy một chiều từ tâm thất phải vào động mạch phổi sau đó chảy tới phổi để trao đổi CO2 lấy O2.
Van động mạch chủ
Đây là van nối giữa tâm thất trái và động mạch chủ gồm 3 lá van thanh mảnh. Khi van mở thì máu sẽ chảy một chiều từ tâm thất trái vào động mạch chủ. Máu sẽ theo động mạch chủ đi khắp nơi để nuôi cơ thể.
Sợi cơ tim
Cơ tim có 3 loại là cơ nhĩ, co thất và những sợi cơ có tính chất kích thích, dẫn truyền đặc biệt. Các tế bào cơ tim là những tế bào nhỏ, có vân, chia nhánh và kết nối với nhau thành một khối vững chắc.
Thành phần của tế bào cơ tim là các tơ cơ chứa các sợi dày sợi mỏng, xung quanh các sợi cơ có mạng nội sinh cơ chất (reticulum sarcoplasmique) là nơi dự trữ canxi.
Chức năng của cơ tim đó chính là tự co rút.
Hệ thống dẫn truyền
Hệ thống dẫn truyền ở tim là một hệ thống vô cùng phức tạp gồm các tế bào mãnh có khả năng phát nhịp cho toàn bộ trái tim. Nó bao gồm nút xoang nhĩ nằm ở cơ tâm nhĩ chịu sự chi phối của sợi giao cảm và dây X, nút nhĩ thất nằm ở phía sau bên phải vách liên nhĩ và bó His hay còn gọi là bộ nối nhĩ – thất, dẫn truyền điện thế giữa nhĩ và thất.
Hệ thần kinh
Tim nhận sự chi phối của hệ thần kinh tự chủ, cụ thể như sau:
Dây X phải chi phối cho nút xoang nhĩ và dây X trái chi phối hoạt động của nút nhĩ – thất.
Thần kinh giao cảm tiết Norepinephrin, làm tăng tần số nút xoang, tăng tốc độ dẫn truyền, và tăng lực co bóp. Thần kinh phó giao cảm làm giảm tần số nút xoang, giảm tốc độ dẫn truyền qua trung gian Acetylcholin. Tác dụng của hai hệ này trái ngược nhau, nhưng có tác dụng điều hòa để đảm bảo cho sự hoạt động tim.
Chức năng của tim
+ Tim là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc tuần hoàn máu của cơ thể.
Chu kỳ tuần hoàn máu ở tim được diễn ra như sau:
Máu từ các tĩnh mạch chủ trên và dưới đổ về tâm nhĩ phải. Khi tâm nhĩ phải đầy máu thì van 3 lá nối giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải sẽ mở ra để máu chảy xuống tâm thất phải. Khi tâm thất phải đầy máu thì van 3 lá sẽ đóng lại đồng thời van động mạch phổi nối giữa động mạch phổi và tâm thất phải sẽ được mở ra.
Máu chảy từ tâm thất phải vào động mạch phổi cho tới khi hết thì van động mạch phổi tự động đóng lại để máu không bị tràn ngược xuống tâm thất phải đồng thời van 3 lá sẽ mở ra. Quy trình này cứ lặp đi lặp lại nhịp nhàng như vậy.
Máu từ động mạch phổi sẽ chảy về phổi. Tại đây máu sẽ được trao đổi và cung cấp O2. Máu giàu O2 có màu đỏ tươi sẽ theo các tĩnh mạch phổi chảy vào tâm nhĩ trái. Khi máu ở tâm nhĩ trái đầy thì van 2 lá nối giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái sẽ mở ra để máu chảy xuống tâm thất trái.
Sau khi bơm đầy vào tâm thất trái thì van 2 lá sẽ đóng lại để máu không bị tràn ngược lại đồng thời van động mạch chủ nối giữa động mạch chủ và tâm thất trái sẽ được mở ra. Khi tim co bóp thì máu từ tâm thất trái sẽ chảy theo động mạch chủ sau đó theo các động mạch khác đi khắp nơi nuôi cơ thể.
Khi máu ở tâm thất trái đã được đẩy hết ra thì van động mạch chủ sẽ đóng lại để máu không bị tràn ngược lại đồng thời van 2 lá sẽ mở ra để máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống. Vòng tuần hoàn này cứ lặp đi lặp lại nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận như van tim, cơ tim, hệ thống dẫn truyền.
+ Ngoài ra tim còn có vai trò đẩy dưỡng khí và các dưỡng chất đi nuôi cơ thể; loại bỏ chất thải trong cơ thể.
Nhịp tim và kích thước của tim:
Nhịp tim là số lần co thắt hay còn gọi là nhịp đập của tim mỗi phút.
Nhịp tim của một người bình thường khoảng 60-100 nhịp/phút. Nhịp tim sẽ có sự thay đổi theo nhu cầu thể chất của cơ thể hoặc các hoạt động như tập thể dục, ngủ, lo lắng…
Trái tim ở nữ giới có khối lượng khoảng 250 – 300 gram, còn ở nam giới có khối lượng nặng hơn là khoảng 300 – 350 gram.
Một số bệnh lý ở tim thường gặp
Bệnh tim mạch đang là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất. Bệnh xuất hiện âm thầm và để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Trong đó cao huyết áp, bệnh van tim, xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim là những căn bệnh có tỷ lệ người mắc nhiều nhất hiện nay.
Bệnh cao huyết áp
Đây là căn bệnh mãn tính khi áp lực máu tác động lên thành mạch tăng cao. Đây cũng là căn nguyên của rất nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu > 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương >=90mmHg.
Bệnh van tim
Bệnh xảy ra khi van tim không thực hiện tốt các chức năng của nó. Bệnh van tim có 2 dạng thường gặp là hẹp van tim và hở van tim.
Xơ vữa mạch máu
Bệnh xuất hiện khi các lòng mạch bị thu hẹp do các chất béo, cholesterol và các chất khác lắng đọng vào thành mạch gây tắc và cản trở dòng máu lưu thông. Căn bệnh này hiện nay đang bị cảnh báo ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ, một phần cũng do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
Nhồi máu cơ tim
Bệnh xảy ra khi mạch máu đột ngột bị tắc. Nếu một vùng cơ tim bị chết do thiếu máu sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng như suy tim, sốc tim, đột tử do tim…
Suy tim
Là tình trạng tim bị yếu và không thể hoàn thành được chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể như một trái tim bình thường. Suy tim chia thành 4 cấp độ:
Suy tim cấp độ 1
Người bệnh vẫn hoạt động bình thường và không có các dấu hiệu khó thở hay mệt mỏi.
Suy tim cấp độ 2
Hay còn gọi là suy tim nhẹ. Chỉ xuất hiện khi vận động với các dấu hiệu như khó thở hoặc đánh trống ngực. Còn nếu trong trạng thái nghỉ ngơi thì mọi hoạt động của tim vẫn bình thường.
Suy tim cấp độ 3 (mức độ trung bình)
Ở giai đoạn này bệnh đã có những dấu hiệu rõ rệt như khi vận động mạnh sẽ bị khó thở dữ dội, thở gấp, đánh trống ngực…
Suy tim cấp độ 4
Đây là giai đoạn suy tim nặng. Bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi sinh hoạt bình thường và ngay cả khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi thì những dấu hiệu như mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực cũng xuất hiện. Do đó phải đưa ngay vào bệnh viện nếu gặp những dấu hiệu như trên, ưu tiên phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.
Một số biện pháp để có trái tim khỏe mạnh
Sức khỏe là vốn quý nhất của con người do đó mỗi người trong chúng ta hãy tập cho mình những thói quen lành mạnh để có một trái tim khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống:
+ Tập thể dục: Hãy dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục như chạy bộ, đi bộ, tập các động tác thể dục buổi sáng hoặc thậm chí có thể đi lên xuống cầu thang bộ thay vì đi thang máy….
+ Không nên hút thuốc lá: Bạn có biết khói thuốc lá chứa rất nhiều chất độc hại. Nếu bạn hút không chỉ gây hại cho bản thân mà còn vô tình gây hại sức khỏe tới những người xung quanh bạn.
+ Ăn uống lành mạnh: Tăng cường ăn nhiều cá, rau xanh, trái cây. Giảm ăn các loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ. Hạn chế uống rượu bia và các loại thức uống có cồn…
+ Ngủ đủ giấc: Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Nên ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng/1 ngày, hạn chế thức khuya.
+ Luôn giữ cho tinh thần thoải mái và vui vẻ nhất: Suy nghĩ lạc quan là liều thuốc hữu hiệu hơn bất kỳ loại thuốc nào.Vì vậy hãy cố gắng giảm lo lắng và căng thẳng trong cuộc sống bằng cách nghe nhạc, xem phim, tập yoga, đi du lịch…