Bệnh viện bạch mai là bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất miền bắc, là địa chỉ khám chữa bệnh uy tín top đầu trong nước. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin tham khảo thêm về bệnh viện mà chúng ta quan tâm.
1.Địa chỉ Bệnh viện Bạch Mai
Địa chỉ: số 78- Giải phóng, Phương Đình, Đống Đa, Hà Nội
Webside: http://bachmai.gov.vn/
Điện thoại: 024 3869 3731
Vị trí địa lý: phía đông của bệnh viện là cổng số 1 và cổng số 2 (Cổng chính Bệnh viện Bạch Mai) hướng ra đường Giải Phóng, gần với cổng Giải Phóng của các Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Xây dựng, phía nam của trường giáp với Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, phía bắc của bệnh viện là phố Phương Mai, bệnh viện cũng có cổng số 3 thông ra đường Phương Mai, phía đường Phương Mai bệnh viện giáp với các bệnh viện như Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Việt Pháp. Trong khuôn viên của bệnh viện còn có Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Giao Thông: bến xe Giáp Bát là bến xe gần nhất với Bệnh viện Bạch Mai cách bệnh viện khoảng 4km, ngoài ra bến xe Nước Ngầm cách bệnh viện khoảng 6km, cũng thuận tiện giao thông với bệnh viện. Quanh các cổng phía đường Giải Phóng và cổng phía đường Phương Mai đều gần các điểm bắt xe Bus.
- Ưu thế của Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt có gần như đầy đủ các khoa lâm sàng, cận lâm sàng, trình độ chuyên môn về các chuyên khoa của bệnh viện nói chung đều rất tốt. Tuy nhiên so với các bệnh viện tuyến trung ương khác trên địa bàn thành phố Hà Nội thì Bệnh viện Bạch Mai có ưu thế về các lĩnh vực thuộc nội khoa hơn như: tim mạch, tâm thần, chống độc, hô hấp, thần kinh, phục hồi chức năng…, và một ưu thế nữa là Bệnh viện Bạch Mai nằm rất rất gần các bệnh viện trung ương khác, do đó trong điều trị các trường hợp bệnh nặng, đặc biệt liên quan đến các bệnh viện này thì việc hội chẩn, chuyển bệnh nhân được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Các viện, trung tâm, khoa, phòng của Bệnh viện Bạch Mai gồm có:
Gồm 3 viện:
- Viện Sức khỏe Tâm thần: nhà T4,T5,T6
- Viện Tim mạch: Khu nhà C, đơn vị Q2, Q3A,Q3B nằm ở tầng 2,3 nhà Q
(nhà 21 tầng)
- Viện Giám định Y khoa: nhà 3 tầng cạnh trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai
Có 11 trung tâm:
- Trung tâm Chống độc: tầng 2 nhà A9
- Trung tâm Phục hồi chức năng: Nhà tròn
- Trung tâm Hô hấp: tầng 17,18 nhà Q- nhà 21 tầng
- Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng: Nhà A2, A4 tầng 2 khu A
- Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu: Nhà H, tầng 10,11,12 nhà Q 21 tầng
- Trung tâm Huyết học và Truyền máu: Tòa nhà Trung tâm Huyết học – Truyền máu và tầng 3 khu khám bệnh
- Trung tâm Điện quang: Tầng 1 Khu nhà P (nhà Việt Nhật), tầng 1 nhà Q, tầng 1 Khoa khám bệnh.
- Trung tâm Bệnh nhiệt đới: Tòa nhà 3 tầng Trung tâm Bệnh nhiệt đới
- Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng: Tầng 4 Trung tâm hội nghị Quốc tế
- Trung tâm Giải phẫu bệnh tế bào học: Tầng 1- Đối diện khoa khám bệnh
- Trung tâm Đào tạo-Chỉ đạo tuyến và Nghiên cứu khoa học
Có 21 khoa lâm sàng:
- Khoa Cấp cứu (A9): tầng nhà A9
- Khoa Hồi sức tích cực: tầng 5,6 nhà P- nhà 21 tầng
- Khoa Thần kinh: tòa T1,T2,T3 khoa thần kinh
- Khoa Thận nhân tạo: tầng 3 nhà A9
- Khoa Cơ xương khớp: tầng 5 nhà P (nhà Việt Nhật)
- Khoa Thận tiết niệu (có đơn vị Nam học): Tầng 5 nhà P (nhà Việt Nhật)
- Khoa Tiêu hóa: tầng 3 nhà P (nhà Việt Nhật)
- Khoa Ngoại tổng hợp: ngoại D tầng 3, ngoại E tầng4 nhà P (nhà Việt Nhật)
- Khoa Gây mê Hồi sức: Tầng 4 khu nhà P (nhà Việt Nhật) và Tầng 1 khu A
- Khoa Nhi: tầng 1,2 nhà P (nhà Việt Nhật)
- Khoa Phụ sản : Tầng 3 nhà P ( nhà Việt Nhật); Tầng 8 nhà Q (21 tầng)
- Khoa Nội tiết -Đái tháo đường: Tầng 6 nhà P (nhà Việt Nhật)
- Khoa Tai Mũi Họng: Nhà A5
- Khoa Răng Hàm Mặt: Tầng 1, nhà A7
- Khoa Mắt: Khám tại tầng 1 nhà hành chính cũ, nằm viện tại tầng 6 nhà P
- Khoa Phẫu thuật thần kinh: tầng 9 nhà Q- nhà 21 tầng
- Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống: tầng 7 nhà P-nhà 21 tầng
- Khoa Y học cổ truyền: Tầng 2 – Khu nhà A6, A8
- Khoa da liễu: Tòa số 18 (Sau nhà thuốc số 4 – cạnh khoa cấp cứu A9)
- Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu: Toà nhà A1 và A3
- Khoa Khám bệnh: Tòa nhà 4 tầng khoa Khám bệnh
Có 3 khoa cận lâm sàng là
- Khoa Thăm dò chức năng: tầng 2 nhà P- nhà Việt Nhật
- Khoa Hóa sinh: tầng 13 nhà Q- nhà 21 tầng
- Khoa Vi sinh: tầng 15 nhà Q- nhà 21 tầng
Xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vi sinh đều có chỗ lấy máu tại các phòng khám
3. Lưu ý khi đi khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai
- Nếu muốn khám bệnh thì khám ở đâu
Hiện tại nhiều khoa tại Bệnh viện Bạch Mai có phòng khám tái khám riêng, do đó nếu muốn khám bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai bạn có thể đến:
- Phòng tái khám của các chuyên khoa mà mình muốn khám (thường nằm luôn trong khoa)
- Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu
- Khoa khám bệnh
- Lịch khám bệnh ngoại trú
Hiện tại đa phần các khoa tại Bệnh viện Bạch Mai đều khám ngoại trú từ thứ 2 đến thứ 6, riêng Viện Sức khỏe Tâm thần có khám bệnh cả thứ 7 và chủ nhật, Viện Tim mạch có khám bệnh thứ 7. Nếu muốn đi khám bệnh cuối tuần các chuyên khoa khác bạn có thể khám tại Khoa Khám bệnh hoặc Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, thời gian làm việc:
- Khoa Khám bệnh:
- Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu: Sáng 6h30-12h00, chiều 13h30-18h00
- Cần làm gì trước, trong và sau khi đi khám bệnh
Trước khi đi khám
Nếu bạn đã khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, vẫn muốn tiếp tục điều trị bác sỹ đang điều trị mình, hãy liên lạc lại với bác sỹ, thông thường các bác sỹ sẽ ghi lại số điện thoại của mình vào đơn thuốc của bệnh nhân.
Nếu bạn chưa khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nếu đi khám nên đi khám vào buổi sáng, đi sớm vì thông thường bệnh viện rất đông bệnh nhân, cần chuẩn bị trước
- Con người: nên nhịn ăn vì bạn có thể được làm các xét nghiệm máu, nội soi dạ dày thực quản…, ngủ sớm từ đêm hôm trước để có thể dậy sớm và đỡ buồn ngủ vào ngày hôm sau.
- Giấy tờ: nên chuẩn bị đầy đủ nhất có thể, cho dù có đi khám yêu cầu bởi bạn có thể được chỉ định nhập viện và cần nhiều giấy tờ. Các giấy tờ thông thường cần đến là thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh thư- căn cước công dân, giấy chuyển tuyến, các kết quả khám, xét nghiệm của tuyến trước, của lần trước…
- Phương tiện: phương tiện giao thông- bệnh viện có chỗ để ô tô, xe máy. Hoặc tìm hiểu kỹ tuyến đường sẽ đi, grab, xe ôm…, cần túi xách trang phục gọn gàng, lịch sự, quản lý chặt tư trang vì bệnh viện đông người nên hoàn toàn có nguy cơ bị móc túi.
Trong khi khám bệnh thì nên đi lấy số đủ các chỉ định xét nghiệm, cân nhắc theo số thứ tự để chờ đến lượt, nên ưu tiên lấy máu trước vì kết quả máu thường cần chờ khoảng 2 tiếng hoặc hơn. Các bác sỹ không nhận phong bì để ưu tiên làm nhanh, làm chậm… khi khám bệnh đâu nhé, nên đừng dấm dúi phong bì tránh bị mắng.
Sau khi đã làm các xét nghiệm, bạn cần để ý thời gian sẽ có kết quả máu để có thể chủ động đi ăn cơm trưa và tìm chỗ nghỉ ngơi, tại cổng phía đường Phương Mai rất đông các hàng ăn từ cơm, bún, phở, xôi… giá cả phải chăng, tại cổng phía đường Giải Phóng cũng có hàng ăn phía bên kia đường, tại cầu vượt có nhiều chủ quán cơm, chủ quán trọ chào mời nhà trọ, cơm nước, giá nghỉ trưa khoảng 70-100 nghìn/ người. Mình thường ăn cơm xong đến khuôn viên bệnh viện đợi luôn.
Sau khi khám bệnh xong bạn sẽ có đơn thuốc thì đi mua thuốc, các bác sỹ thường hướng dẫn bệnh nhân vào các nhà thuốc bệnh viện mua thuốc. Mọi người thường có tâm lý thuốc bán trong bệnh viện đắt hơn ở hiệu thuốc ngoài, nên nhiều người vẫn ra các hiệu thuốc phía ngoài mua. Tuy nhiên trên thực tế đại đa số các thuốc bán tại các nhà thuốc bệnh viện đều có giá thành thấp nhất, chất lượng tốt nhất, đây là do cơ chế bỏ thầu và yêu cầu quản lý của bệnh viện. Nhưng tại sao bác sỹ lại phải hướng dẫn bệnh nhân? Được gì chăng? Không phải đâu, mỗi nhà thuốc trong bệnh viện thường có các loại thuốc riêng biệt phù hợp với các khoa khám bệnh liền cạnh, do đó nếu bạn đi ra các nhà thuốc khác có thể sẽ không mua được loại thuốc yêu cầu nhé.
Khi về nhà trong tuần đầu dùng thuốc có thể bạn gặp một vài vấn đề do bệnh nặng hơn, do tác dụng phụ của thuốc…hoặc khi dùng hết thuốc. Bạn hãy liên lạc lại với bác sỹ theo số điện thoại được ghi trong đơn thuốc nhé.
Chúc các bạn luôn mạnh khỏe để ít phải đến gặp bác sỹ!