- Bệnh động kinh là gì?
Động kinh là tình trạng bệnh lý của não, đặc trưng bởi sự phóng điện quá mức, đồng bộ và nhất thời của các nhóm tế bào neuron não; biểu hiện bằng cơn động kinh trên lâm sàng và sóng động kinh trên điện não đồ. Các triệu chứng của cơn động kinh có thể rất khác nhau. Một số bệnh nhân trong cơn động kinh chỉ nhìn chằm chằm vô hồn trong vài giây, trong khi những bệnh nhân khác liên tục co giật toàn thân.
Bệnh động kinh là một bệnh lý mà người bệnh có các cơn động kinh tái đi, tái lại nhiều lần, tính chất các cơn động kinh tương đối giống nhau. Thông thường người bệnh được chẩn đoán là bệnh động kinh khi có ít nhất 2 cơn động kinh điển hình trở lên, nếu chỉ có một cơn động kinh đầu tiên thì chưa được chẩn đoán là bệnh động kinh.
Một số bệnh lý có thể gây ra các cơn động kinh (không phải bệnh động kinh) như: sốt cao co giật ở trẻ em, cơn hạ đường huyết, hạ calci máu, sau chấn thương sọ não, sau ngộ độc ma túy, thức ăn, thuốc, sau cai rượu…
Bất kỳ ai cũng có thể phát triển bệnh động kinh. Bệnh động kinh ảnh hưởng đến cả nam và nữ ở mọi chủng tộc, dân tộc và lứa tuổi. Theo thống kê dịch tễ tỷ lệ mắc bệnh động kinh khoảng gần 1% dân số, phần lớn bệnh nhân động kinh là trẻ em và tuổi vị thành niên. Điều này đồng nghĩa là rất nhiều bệnh nhân động kinh được kinh được chữa khỏi hoàn toàn.
- Bệnh động kinh có những triệu chứng gì?
Bởi vì động kinh là bệnh lý xảy ra do hoạt động bất thường của một nhóm hoặc tất cả tế bào não, đặc tính đột ngột, nhất thời do đó các triệu chứng cũng có các đặc điểm như:
- Cơn xảy ra đột ngột, ít khi người bệnh biết trước cơn. Nếu có triệu chứng báo trước thì chỉ có một vài triệu chứng ngay trước khi xảy ra cơn điển hình, bệnh nhân không kịp phản ứng với cơn động kinh.
- Cơn thường xảy ra trong một thời gian ngắn, tuy nhiên một số trường hợp có cơn động kinh kéo dài gọi là trạng thái động kinh
- Trong cơn bệnh nhân thường suy giảm nhận thức
- Sau cơn thường không còn nhớ những sự việc trong cơn
- Các triệu chứng của cơn động kinh thường đa dạng, tùy thuộc vào nhóm tế bào nào có hoạt động bất thường
- Các triệu chứng thường mang tính định hình, nghĩa là triệu chứng của các cơn động kinh của cùng một người thường là giống nhau
Tùy theo các triệu chứng của cơn động kinh mà bác sỹ sẽ phân ra thành động kinh cục bộ hoặc động kinh toàn thể, còn một dạng trung gian nữa là động kinh cục bộ toàn thể hóa.
Động kinh cục bộ: là cơn động kinh xuất hiện do hoạt động bất thường chỉ ở một vùng não, chỉ gây ra các triệu chứng do vùng não này chi phối. Những cơn co giật này chia thành hai loại:
- Động kinh cục bộ không rối loạn ý thức: các cơn động kinh này có đặc điểm là gây ra các triệu chứng đơn độc, bệnh nhân hoàn toàn không kiểm soát, có thể là co giật một phần chi thể, rối loạn thị giác, vị giác, thính giác… thường cơn động kinh loại này xảy ra ngắn, dưới 1 phút. Trong cơn bệnh nhân vẫn nhận biết mọi thứ, sau cơn bệnh nhân còn nhớ sự việc trong cơn. Trước kia bệnh còn được gọi với tên động kinh cục bộ đơn giản.
- Động kinh cục bộ có rối loạn ý thức: các cơn động kinh này cũng có biểu hiện bên ngoài giống với động kinh cục bộ không rối loạn ý thức, tuy nhiên bệnh nhân có rối loạn xảy ra trong cơn, sau cơn bệnh nhân không nhớ hoặc chỉ nhớ một phần nhỏ các sự việc xảy ra trong cơn. Trước kia bệnh từng được gọi là động kinh cục bộ phức tạp.
Động kinh toàn thể: là cơn động kinh xuất hiện do hoạt động của nhiều nhóm tế bào não, thậm chí là toàn bộ tế bào, gây ra nhiều triệu chứng của các cơ quan khác nhau, các cơn động kinh toàn thể thường có đầy đủ các đặc điểm chung của một cơn động kinh điển hình, động kinh toàn thể gồm có các loại chính sau:
- Cơn co giật: là cơn điển hình nhất của động kinh toàn thể, đa số bệnh nhân trải qua 4 giai đoạn là co cứng, co giật, doãi cơ và ngủ say. Ở giai đoạn co cứng bệnh nhân thường trợn mắt, quay đầu, nghiến răng chặt, chi trên ở tư thế gấp, chi dưới ở tư thế duỗi, giai đoạn này kéo dài 10-20 giây; giai đoạn co giật kéo dài 1-2 phút, giật đồng bộ, đều 2 bên; giai đoạn doãi cơ bệnh nhân mềm nhũ, thở khò khè, có thể ỉa đùn, đái dầm; tiếp theo là bệnh nhân ngủ say sau cơn giật một số người xuất hiện trạng thái hoàng hôn là bệnh nhân mất ý thức tuy nhiên lại vẫn hoạt động đi lại bình thường, trong trạng thái hoàng hôn bệnh nhân thường thấy cảnh tượng sợ hãi, nên dễ có các hành vi tấn công nguy hiểm.
- Cơn vắng ý thức: thường xảy ra ở trẻ em và có đặc điểm là nhìn chằm chằm vào không gian hoặc có những chuyển động cơ thể tinh vi như chớp mắt hoặc nhếch môi. Những cơn co giật này có thể xảy ra theo từng cụm và gây mất nhận thức trong thời gian ngắn.
- Cơn giật cơ: liên quan đến các cử động cơ giật lặp đi lặp lại hoặc nhịp nhàng. Những cơn động kinh này thường ảnh hưởng đến cổ, mặt và cánh tay, cơn giật cơ thường diễn ra rất nhanh.
- Cơn mất trương lực cơ: người bệnh đột ngột mất kiểm soát cơ, có thể đột ngột ngã quỵ hoặc ngã xuống, sau đó nhanh chóng hồi phục.
- Hội chứng West: thường xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, cơn xảy ra trong 2-3 giây, đôi khi ngắn hơn. Những cơn động kinh này thường ảnh hưởng đến các cơ ở lưng, cánh tay và chân. Các chi có biểu hiện như sau, các chi trên bắt chéo trước ngực, chi dưới tư thế gấp. Nếu co thắt ở tư thế duỗi thì hai chi trên duỗi thẳng và khép bắt chéo.
- Bệnh động kinh cần làm xét nghiệm gì?
Điện não đồ: có thể là điện não đồ thường quy hoặc điện não đồ 24h đối với một số trường hợp đặc biệt. Trong cơn động kinh sẽ bắt được sóng động kinh trên điện não đồ, ngoài cơn động kinh có thể bắt được các sóng bất thường, nhưng điện não ngoài cơn cũng có thể hoàn toàn bình thường.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): giúp tìm nguyên nhân gây ra động kinh trong các tổn thương não như u não, nhồi máu não, dị dạng mạch não…
Cộng hưởng từ chức năng: giúp tìm chính xác vị trí hoạt động bất thường gây ra các cơn động kinh mà các xét nghiệm khác chưa tìm ra, tuy nhiên hiện tại do tính sẵn có và giá thành nên xét nghiệm này ít được áp dụng.
- Bệnh động kinh được điều trị, quản lý như thế nào?
Đối với điều trị động kinh, có 2 vấn đề được đưa ra là điều trị trong cơn động kinh và điều trị bệnh động kinh- hạn chế tối đa cơn động kinh.
Việc điều trị cấp cứu trong cơn động kinh hầu hết không cần thiết bởi vì cơn động kinh thường diễn ra nhanh, không đau, sau cơn không nhớ sự việc trong cơn động kinh, do đó thường chỉ cần đảm bảo an toàn cho bệnh nhân như tránh cắn lưỡi, tránh va đập. Việc điều trị cấp cứu trong cơn động kinh chỉ được đặt ra trong tình huống bệnh nhân có cơn động kinh kéo dài, các cơn động kinh liên tục, trạng thái động kinh.
Điều trị bệnh động kinh thông thường nhất là sử dụng các thuốc kháng động kinh với liều lượng phù hợp, các thuốc hay được sử dụng nhất là: acid valproic (depakin, encorate), carbamazepin, oxcarbamazepin, lamotrigine, phenytoin… việc sử dụng các thuốc này cần tuân thủ hết sức chặt chẽ chỉ định của bác sỹ, không tự ý ngừng thuốc mặc dù đã hết cơn động kinh.
Phẫu thuật: việc điều trị động kinh bằng phẫu thuật chỉ được thực hiện đối với một số bệnh nhân tìm được ổ tổn thương não khu trú, tại vị trí dễ phẫu thuật.
Ngoài ra trong điều trị bệnh động kinh còn phải cẩn trọng trong sinh hoạt, tránh những tình huống dễ gây nguy hiểm khi có cơn giật như điều khiển phương tiện giao thông, bơi lội… cần tránh các stress, khi dùng bất kỳ thuốc nào khác cần khai báo với bác sỹ là mình đang sử dụng thuốc động kinh.