Câu kỷ tử (Lycium barbarum) là một loại dược vật có tính ấm, bình thường ăn một ít kỷ tử có thể phát huy tác dụng bồi bổ và bảo vệ sức khỏe rất tốt. Nhưng Kỷ tử dùng như thế nào để phát huy hết tác dụng của nó.
1. Lợi ích của Câu kỷ tử đối với cơ thể là gì?
– Giải độc và bồi bổ gan
Thói quen sinh hoạt, ăn uống không điều độ dễ tạo gánh nặng cho gan, thức khuya, uống rượu bia càng gây hại cho gan. Nếu gan bị ảnh hưởng, chất độc và chất cặn bã trong cơ thể không thể bài tiết ra ngoài. Dùng trà Kỷ tử có thể làm giảm hàm lượng alanine aminotransferase trong cơ thể. Không chỉ có thể sửa chữa các tế bào gan, mà còn giúp giải độc.
– Sáng mắt
Nếu mắt hoạt động trong thời gian dài với cường độ cao sẽ dễ dẫn đến mỏi mắt, giảm thị lực, Dùng một ít trà quả kỷ tử, có thể cải thiện ở một mức độ nhất định các triệu chứng khó chịu ở mắt. Điều này là do quả kỷ tử rất giàu vitamin và carotene, có tác dụng tốt trong việc cải thiện tình trạng suy giảm thị lực và thúc đẩy chất lượng giấc ngủ.
– Chống lão hóa
Ai cũng có mong muốn làm đẹp, nhất là với nhiều bạn nữ. Vào lúc thường ngày có thể uống một ít trà kỷ tử, có thể mang lại tác dụng chống lão hóa rất tốt. Điều này là do một số thành phần có lợi trong kỷ tử có thể phát huy tác dụng chống oxy hóa nhất định. Không những thế trà từ loại quả này còn có thể làm cho bạn có một làn da đẹp.
2. Dùng Câu kỷ tử như thế nào?
Trong Y học cổ truyền Kỷ tử có vị ngọt, tính bình, quy kinh: phế, can, thận. Có tác dụng: Bổ can thận, làm sáng mắt.
Uống kỷ tử theo cách sau sẽ tăng gấp đôi giá trị dinh dưỡng, bổ dưỡng gan và giải độc, cải thiện thị lực và bổ dưỡng khí huyết.
– Quả kỷ tử và Thảo quyết minh
Tác dụng của Thảo quyết minh (quyết minh tử) tương đối phong phú, có thể thanh nhiệt giải độc ở một mức độ nhất định. Nếu pha trà Thảo quyết minh và Câu kỷ tử với nhau thì sẽ tăng lên gấp đôi tác dụng giải độc. Kiên trì trong một thời gian có thể giúp chúng ta đào thải chất độc và cặn bã trong gan tốt hơn, đồng thời có thể phục hồi tế bào gan tốt hơn, tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch.
Lưu ý: Với các trường hợp cơ thể tỳ vị hư hàn, dễ bị đau bụng đi ngoài thì khuyên không nên dùng. Vì Thảo quyết minh tính lạnh, lại có thêm tác dụng lợi thủy thông tiện, uống lâu hao dương khí.
– Quả kỷ tử và Cúc hoa
Cúc hoa cũng là một loại dược phẩm bổ dưỡng rất tốt, bởi vì hoa cúc rất giàu khoáng chất và vitamin, uống trà hoa cúc có thể làm dịu gan và cải thiện thị lực. Hoa cúc tính lạnh làm mát gan, còn kỷ tử tính ấm dưỡng gan huyết, mang lại giá trị hài hòa trong trường hợp can huyết hư sinh nội nhiệt. Nó cũng có thể thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ gan và thải độc gan.
– Quả kỷ tử và Táo đỏ
Giá trị dinh dưỡng của Táo đỏ tương đối cao, có câu “Nhất nhật tam khỏa táo, nhất bối tử bất hiển lão” ý là mỗi ngày ba quả táo, cả đời không lo già. Đặc biệt đối với các bạn nữ, ăn nhiều Táo đỏ có thể bổ sung huyết sắc tố cho cơ thể, giúp da dẻ hồng hào hơn. Nếu kết hợp Táo đỏ và Kỷ tử có thể làm sạch độc tố gan trong cơ thể tốt hơn và làm giảm khí và máu thiếu hụt do độc tố gan gây ra cho cơ thể.
Câu kỷ tử là một vị thuốc Đông y bảo vệ sức khỏe rất công hiệu, được người dân sử dụng rất nhiều. Nhưng suy cho cùng nó vẫn là “Thuốc” nên nếu sử dụng không đúng cách cũng có thể gây hại cho cơ thể.
3. Điều cấm kỵ khi dùng Kỷ tử
– Không uống cùng trà xanh
Cả trà xanh và kỷ tử đều có thể pha và uống với nước sôi, rất có lợi cho cơ thể con người. Nhiều người chỉ đơn giản là pha chúng lại với nhau. Tuy nhiên, hàm lượng lớn axit tannic chứa trong trà xanh có tác dụng hấp phụ; có thể hấp thụ các nguyên tố vi lượng trong Kỷ tử và sinh ra các chất mà cơ thể con người khó hấp thụ được.
Tất nhiên trên thị trường vẫn có những loại trà như Bát ngọc trà có pha chung Trà xanh và Kỷ tử. Tuy nhiên lượng Trà xanh trong các loại trà như vậy không lớn, và cũng không nên dùng nhiều và trong thời gian dài.
– Không dùng nhiều
Kỷ tử thích hợp cho những người có thể chất yếu và sức đề kháng kém. Tuy nhiên, quá trình dùng phải kiên trì trong thời gian dài, mỗi ngày uống một ít mới thấy hiệu quả. Kỷ tử tuy tốt nhưng không được dùng quá nhiều. Nếu không tính ấm của nó sẽ khiến “nhiệt” trong cơ thể người dùng tăng lên gây táo bón, khát, thậm chí khiến mắt bị đỏ, sưng tấy và khó chịu.
Người dùng nên chú ý nhiều hơn đến liều lượng của Câu kỷ, nhất là khi ăn sống thì nên giảm bớt liều lượng.
– Những người sau tốt nhất không nên dùng
Những người bị cảm mạo bất kể là phong hàn hay phong nhiệt v.v… đều không nên dùng. Bởi Kỷ tử là thuốc bổ, điều cấm kỵ khi trị “ngoại phong” là dùng thuốc bổ.
Những người thể chất dương khí mạnh, cao huyết áp, hay nóng nảy … … do Can dương vượng không nên dùng.
Người ngày thường hay ăn nhiều thịt, dẫn đến mặt đỏ bừng, thấp nhiệt ở trong tốt nhất cũng không nên dùng.
Hy vọng qua bài viết độc giả đã biết được Kỷ tử dùng như thế nào cho đúng. Bài viết ngắn nên chắc chắn sẽ còn có thiếu sót các phương pháp dùng khác, rất mong được sự góp ý của Quý độc giả.
Tác giả: L/Y Văn Phú
Chủ nhiệm phòng khám Hồng Hà